Chuyên gia bóng đá Akmal Marhali cho rằng Indonesia đang tìm cách xoa dịu dư luận chứ không thể rời khỏi Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á.
"Chuyển liên đoàn không dễ dàng như thế", Marhali nói với tờ MPI hôm 20/7. "Liên đoàn Bóng đá Indonesia chỉ xoa dịu cộng đồng mạng thôi. Tôi chắc chắn họ sẽ chẳng làm gì. Chuyển liên đoàn không giống như chúng ta chuyển nhà sang một đất nước khác. Không phải chỉ cần tiền là xong".
Xem thêm: soi kèo
Trước đó một ngày, Chủ tịch Mochamad Iriawan cho biết Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) đã liên hệ với Liên đoàn Bóng đá Đông Á (EAFF), về khả năng chuyển liên đoàn cho Indonesia. "EAFF sẽ rất vui mừng nếu có Indonesia gia nhập", Iriawan nói. "Nhưng chúng tôi phải nghiên cứu kỹ những thuận lợi và khó khăn trước khi quyết định".
Chuyên gia Marhali nghi ngờ tính xác thực trong phát biểu của ông Iriawan. "PSSI chỉ đang hùa theo dư luận chứ chẳng hề làm gì. Tôi cũng không chắc là họ đã liên lạc với EAFF", Marhali nói thêm.
Marhali từng làm CEO của CLB Tangerang Wolves chơi ở giải vô địch Indonesia. Ông đang là điều phối viên của Save Our Soccer, tổ chức bóng đá thường bất đồng quan điểm với PSSI. Tháng 3/2022, Marhali và Iriawan từng tranh cãi trên mạng xã hội về việc nhập tịch cầu thủ cho Indonesia. Ở U19 Đông Nam Á 2022, ông cũng cho rằng Việt Nam và Thái Lan chẳng làm gì sai khi hòa 1-1 rồi dắt tay nhau vào bán kết, khiến chủ nhà Indonesia bị loại.
Trận đấu đó khiến nhiều người Indonesia nổi giận, vì cho rằng Việt Nam và Thái Lan thiếu fair-play. Họ đề nghị loại hai đội khỏi giải, còn ông Iriawan gửi đơn khiếu nại lên AFF nhưng chưa thấy hồi âm sau hơn một tuần.
Dư luận Indonesia còn muốn PSSI chuyển liên đoàn sang EAFF, để có cơ hội thi đấu với những đội hàng đầu châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Vị trí 10 thành viên thuộc Liên đoàn bóng đá Đông Á EAFF. Ảnh: Wikipedia
Vị trí 10 thành viên thuộc Liên đoàn bóng đá Đông Á EAFF. Ảnh: Wikipedia
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng việc Indonesia chuyển liên đoàn chẳng có nghĩa lý gì. Tổng biên tập tạp chí bóng đá Bolatren Mohamad Kusnaeni nói với CNN Indonesia: "Trên lý thuyết, Indonesia có thể chuyển sang Đông Á hoặc châu Đại Dương (OFC). Nhưng chẳng có lý do gì chúng ta phải làm thế. Indonesia cần nhiều thời gian để có thể bắt kịp Nhật Bản và Hàn Quốc".
Các trang báo Indonesia như Sportstar hay Libero cũng đăng bài cảnh báo việc Indonesia rời AFF. Sportstar cho rằng các đội tuyển trẻ Indonesia sẽ chịu thiệt nếu sang EAFF, vì ở đó không tổ chức các giải U16, U19 hay U23 như Đông Nam Á. Còn Libero viết: "Nếu Indonesia chưa thể vô địch AFF Cup lần nào, làm sao đội bóng có thể thành công ở EAFF Cup?".
Indonesia là một trong sáu quốc gia sáng lập AFF năm 1984, cùng Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Brunei. Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia gia nhập tổ chức này năm 1996, sau đó đến Timor Leste (2004) và Australia (2013). Indonesia đã sáu lần vào chung kết AFF Cup, nhưng chưa từng vô địch.